Thứ Năm, 1 tháng 3, 2012

Quy chế chi tiêu nội bộ năm 2012


CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
TỈNH NGHỆ AN
CHI CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ
HUYỆN TƯƠNG DƯƠNG


 


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


 
  

Tương Dương, ngày 15 tháng 02  năm 2012


QUY CHẾ
Chi tiêu nội bộ
của Cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 03 /QĐ-THA  ngày 15 tháng 02 năm 2012
của Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương)


 


CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung các khoản chi tiêu về sử dụng kinh phí quản lý hành chính được phép thực hiện chế độ tự chủ (nguồn ngân sách nhà nước cấp; các khoản phí, lệ phí được để lại theo chế độ quy định; các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật) của cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương.
2. Quy chế này được áp dụng đối với tất cả các cán bộ, công chức và nhân viên Hợp đồng trong cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương có sử dụng, quản lý nguồn kinh phí của cơ quan.
Điều 2. Mục đích ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ
Quy chế chi tiêu nội bộ (sau đây gọi tắt là Quy chế) được ban hành nhằm thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính của cơ quan Chi cục THADS huyện Tương Dương, cụ thể như sau:
1. Tạo điều kiện cho thủ trưởng cơ quan quyền chủ động trong việc quản lý và sử dụng kinh phí quản lý hành chính được giao, nhằm đảm bảo hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của cơ quan;
2. Thúc đẩy việc sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu quả, nâng cao tính chủ động hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tăng thu nhập chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan;
3. Thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách.
Điều 3. Nguyên tắc xây dựng Quy chế
1. Quy chế này được xây dựng theo các quy định chi tiêu hiện hành của Nhà nước gắn với đặc thù hoạt động của cơ quan ;
2. Mọi việc chi tiêu sử dụng ngân sách phải bảo đảm có đủ thủ tục chứng từ, hóa đơn hợp pháp theo quy định của pháp luật;
3. Quy chế được thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai, lấy ý kiến tham gia đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức trong cơ quan, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
CHƯƠNG II: NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. NGUỒN KINH PHÍ VÀ NỘI DUNG CHI

Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện chế độ tự chủ

1. Nguồn kinh phí quản lý hành chính được ngân sách nhà nước giao hàng năm để thực hiện chế độ tự chủ.
2. Các khoản thu phí, lệ phí được để lại theo chế độ quy định.
3. Các khoản thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 5. Nội dung chi
1. Các khoản thanh toán cho cá nhân
Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, tiền thưởng, phúc lợi tập thể và các khoản thanh toán khác cho cá nhân theo quy định.
2. Các khoản chi về nghiệp vụ chuyên môn, chi thanh toán dịch vụ công cộng, chi phí thuê mướn, chi vật tư văn phòng phẩm, thông tin, tuyên truyền, liên lạc, hội nghị, công tác phí, chi mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện, vật tư, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định.
3. Các khoản chi khác.

MỤC 2. ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG KINH PHÍ

Điều 6. Các khoản chi thanh toán cho cá nhân
- Tiền tàu, xe đi phép       
Thực hiện theo Thông tư số 108TC/HCVX ngày 30 tháng 12 năm 1993 của Bộ Tài chính qui định chế độ phụ cấp tàu, xe cho CNVC nhà nước đi nghỉ phép hàng năm.
- Tiền lương, tiền công, phụ cấp lương, các khoản đóng góp theo lương, tiền thưởng và các khoản thanh toán khác cho cá nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 7. Chi quản lý hành chính
1. Về sử dụng văn phòng phẩm
- Việc sử dụng văn phòng phẩm phải đảm bảo tiết kiệm. Thanh toán chi mua văn phòng phẩm theo thực tế sử dụng nhưng bình quân không quá 4.500.000đ/01 tháng.
Hàng tháng (hoặc quý), văn phòng căn cứ vào số người và nhu cầu thực tế sử dụng lập bản kê đề nghị mua văn phòng phẩm cho đơn vị . Chứng từ thanh toán phải đảm bảo có đủ hoá đơn theo quy định.
2. Về mua báo chí, sách vở
Cơ quan đặt mua số báo Pháp Luật, Tiền Phong và báo Nghệ An. Tận dụng khai thác thông tin trên mạng internet.
Đặt mua các loại sách pháp luật cần thiết.
3. Về cước phí bưu chính
Văn phòng quản lý chặt chẽ số lượng văn bản, bưu kiện gửi đi theo nguyên tắc thông thường; trường hợp thực sự cấp bách (có ý kiến của Thủ trưởng cơ quan) mới được gửi khẩn và gửi đảm bảo hoặc chuyển phát nhanh. Thanh toán theo hoá đơn thực tế của bưu điện nhưng không quá 1.000.000đ/01 tháng.
4. Về sử dụng điện sáng
a. Cán bộ, công chức khi sử dụng điện phải đảm bảo đúng quy trình an toàn, không sử dụng điện vào việc riêng. Khi ra khỏi phòng làm việc phải tắt tất cả các nguồn điện.
b. Thanh toán tiền điện hàng tháng trên cơ sở hoá đơn của ngành điện lực nhưng không được quá 1.000.000đ/tháng.
5. Về sử dụng nước sinh hoạt
Việc sử dụng nước sinh hoạt phải tiết kiệm, không để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí. Thanh toán theo thực tế nhưng không quá 500.000đ/01 tháng.

6. Về chế độ chi thông tin, tuyên truyền, liên lạc
a. Trang bị điện thoại , internet, máy fax
Căn cứ vào nhu cầu thực tế sử dụng, cơ quan lắp đặt 04 máy điện thoại cố định tại phòng làm việc của Thủ trưởng, văn phòng, bộ phận nghiệp vụ và kế toán, 01 máy fax tại văn phòng, nối mạng internet cho tất cả các cán bộ công chức.
b. Thanh toán cước phí sử dụng điện thoại, máy fax và internet

Thanh toán tiền cước dựa trên Hoá đơn và bản kê của bưu điện nhưng mỗi tháng không quá 350.000đ/01 máy điện thoại, 200.000đ/01 máy fax, 400.000đ cước phí internet.

7. Chi quản lý và sữa chữa tài sản.
a. Chi sữa chữa xe mô tô của cơ quan.
- Các quy định về  sử dụng xe mô tô của cơ quan, về quyền hạn, trách nhiệm, quản lý điều hành xe, đăng ký sử dụng xe, trách nhiệm quản lý, sử dụng của người sử dụng, quy trình sửa chữa xe thực hiện theo Quy chế quản lý và sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương.
- Thủ tục thanh quyết toán liên quan đến chi phí quản lý, sử dụng, sửa chữa xe mô tô:
- Thanh toán các chi phí sử dụng xe mô tô:
+ Văn phòng có trách nhiệm thực hiện thanh quyết toán các khoản sửa chữa và các chi phí khác có liên quan đến việc sử dụng xe mô tô cần phải có bảng kê thanh toán và các chứng từ đảm bảo đúng quy định của Nhà nước.
- Sửa chữa xe mô tô:
Văn phòng ký hợp đồng nguyên tắc với một cơ sở sửa chữa đảm bảo chất lượng. Khi phát sinh sửa chữa thực tế hoặc bảo dưỡng định kỳ, việc lựa chọn cơ sở sửa chữa, mức giá sẽ thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
- Văn phòng thực hiện việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho phương tiện và người ngồi trên xe theo quy định.
b. Chi sửa chữa các tài sản khác của cơ quan.
Trường hợp tài sản bị hư hỏng cần sửa chữa thì cán bộ trực tiếp quản lý có văn bản đề xuất trình thủ trưởng cơ quan xem xét. Sau khi có ý kiến của thủ trưởng cơ quan, văn phòng có trách nhiệm hợp đồng với cơ sở sữa chữa. Chi phí sữa chữa thanh toán theo chi phí thực tế.
8. Về chế độ công tác phí
Thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 97/2010/TT- BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính về việc Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ vào đặc điểm công tác của Cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tương Dương, quy định rõ thêm một số điểm như sau:
a. Thanh toán tiền phương tiện đi công tác:
- Căn cứ vào tính chất công việc của chuyến đi công tác thủ trưởng cơ quan xem xét duyệt cho cán bộ, công chức thanh toán tiền phương tiện đi công tác thích hợp. Đối với những vùng không có phương tiện vận tải của tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật mà người đi công tác phải thuê phương tiện vận tải khác thì thủ trưởng cơ quan, xem xét quyết định cho thanh toán tiền thuê phương tiện mà người đi công tác đã thuê trên cơ sở hợp đồng thuê phương tiện hoặc giấy biên nhận với chủ phương tiện (có tính đến giá vận tải phương tiện khác đang thực hiện cùng thời điểm tại vùng đó cho phù hợp).
- Thanh toán tiền tự túc phương tiện đi công tác:
Cán bộ, công chức đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 10 km trở lên (đối với khu vực vùng cao, miền núi khó khăn, vùng sâu) và từ 15 km trở lên (đối với vùng còn lại) mà tự túc bằng phương tiện cá nhân của mình thì được thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện theo số km thực đi nhân với đơn giá khoán (bao gồm tiền nhiên liệu và khấu hao xe). Cụ thể đơn giá khoán như sau:
+ Đối với đi khu vực vùng cao, miền núi khó khăn, vùng sâu: 20.000đ/10km
+ Đối với vùng còn lại: 8.000đ/10km.
b. Phụ cấp lưu trú:
- Mức chi phụ cấp lưu trú 150.000đ/ngày. Trường hợp đi công tác về trong ngày thì mức phụ cấp lưu trú người đi công tác được hưởng là 100.000đ.
c. Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ nơi đến công tác:
Cán bộ, công chức được cơ quan cử đi công tác được thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ theo một trong hai hình thức như sau:
- Thanh toán theo hình thức khoán:
+ Đi công tác ở quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng và thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh. Mức khoán 350.000 đồng/ngày/người;
+ Đi công tác tại huyện thuộc các thành phố trực thuộc trung ương, tại thị xã, thành phố còn lại thuộc tỉnh: Mức khoán 250.000 đồng/ngày/người;
+ Đi công tác tại các vùng còn lại: Mức khoán 200.000 đồng/ngày/người;
- Thanh toán theo hoá đơn thực tế:
Trong trường hợp người đi công tác không nhận thanh toán theo hình thức khoán tại điểm a nêu trên thì được thanh toán theo giá thuê phòng thực tế (có hoá đơn hợp pháp) do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị duyệt theo tiêu chuẩn thuê phòng như sau:
+ Đi công tác tại các quận thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Đà Nẵng; thành phố là đô thị loại I thuộc tỉnh được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 600.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/phòng;
+ Đi công tác tại các vùng còn lại được thanh toán mức giá thuê phòng ngủ tối đa là 450.000 đồng/ngày/phòng theo tiêu chuẩn 2 người/phòng;
+ Trường hợp đi công tác một mình hoặc đoàn công tác có lẻ người hoặc lẻ người khác giới (đối với các đối tượng, cán bộ công chức còn lại), thì được thuê phòng riêng theo mức giá thuê phòng thực tế nhưng tối đa không được vượt mức tiền thuê phòng của những người đi cùng đoàn (theo tiêu chuẩn 2 người/phòng);
d. Thanh toán khoán tiền công tác phí theo tháng:
Cơ quan thực hiện khoán công tác phí theo tháng đối với thủ trưởng, cán bộ văn thư, kế toán, thủ quỹ khi thường xuyên đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng mức 200.000 đồng/người/tháng .
Các đối tượng cán bộ nêu trên nếu được cấp có thẩm quyền cử đi thực hiện nhiệm vụ theo các đợt công tác cụ thể, thì được thanh toán tiền phương tiện đi lại, phụ cấp lưu trú; đồng thời vẫn được hưởng khoản tiền công tác phí khoán theo tháng nếu đủ điều kiện đi công tác lưu động trên 10 ngày/tháng.
đ. Hồ sơ để thanh toán
- Văn bản hoặc kế hoạch công tác đã được Thủ trưởng cơ quan, đơn vị duyệt số lượng ngày cử đi công tác; giấy đi đường có đóng dấu của cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi công tác và ký xác nhận đóng dấu ngày đến, ngày đi của cơ quan nơi cán bộ đến công tác (hoặc của khách sạn, nhà khách nơi lưu trú) và hoá đơn hợp pháp (trong trường hợp thanh toán theo giá thuê phòng thực tế).
- Hoá đơn mua vé, hoặc giấy biên nhận của chủ phương tiện; bảng kê độ dài quãng đường đi công tác trình Thủ trưởng cơ quan, đơn vị duyệt thanh toán trong trường hợp tự túc phương tiện đi công tác.
          9. Chi hội nghị
Thực hiện theo các quy định tại Thông tư số 97/2010/TT- BTC ngày 06/7/2010 của Bộ Tài chính về việc Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
a. Mức chi hỗ trợ tiền ăn cho đại biểu là khách mời không thuộc diện hưởng lương từ ngân sách nhà nước không quá 100.000 đồng/ngày/người;
b. Chi tiền nước uống trong cuộc họp: Tối đa không quá mức 30.000 đồng/ngày(2 buổi)/đại biểu
c. Các khoản chi phí thuê mướn khác phục vụ hội nghị như: Thuê hội trường, in sao tài liệu, thuê xe... phải có hợp đồng, giấy biên nhận hoặc hóa đơn, mức chi theo thực tế.
Điều 8. Chi nghiệp vụ chuyên môn
Các khoản chi phục vụ chuyên môn được thanh toán theo các quy định hiện hành.
Cơ quan quy định  một số khoản chi có tính chất đặc thù trong công tác thi hành án dân sự theo mức chi cụ thể như sau:
1. Chi công tác cưỡng chế thi hành án
Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 của Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp về hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án.
Cụ thể như sau:
a) Chi cho các thành viên tham gia họp bàn cưỡng chế thi hành án, các thành viên họp định giá và định giá lại giá tài sản:  Chủ trì: 100.000 đồng/người/ngày; Thành viên: 70.000 đồng/người/ngày.
b) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế thi hành án:
- Người chủ trì: mức 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế;
- Đối tượng khác: mức 70.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.
c) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp thực hiện thông báo cưỡng chế thi hành án, xác minh điều kiện thi hành án; những người trực tiếp thực hiện quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ:
- Chấp hành viên, công chức khác làm công tác thi hành án, kiểm sát viên, cảnh sát: Mức 50.000 đồng/người/ngày.
- Dân quân tự vệ, đại diện chính quyền địa phương và các đối tượng khác: Mức 70.000 đồng/người/ngày. 
d) Chi công tác phí cho các đối tượng đi xác minh điều kiện thi hành án: Thực hiện theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị trong cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.
đ) Chi thuê phiên dịch:
- Phiên dịch tiếng dân tộc: Tối đa 200% mức lương tối thiểu chung, tính theo lương ngày do Nhà nước quy định cho khu vực quản lý hành chính.
- Phiên dịch tiếng nước ngoài: Thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về mức chi dịch thuật trong chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam.
e) Các chi phí: Thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ cưỡng chế; chi phí phòng cháy, nổ; thuê địa điểm, phương tiện để tổ chức bán đấu giá; phí thẩm định giá; phí bán đấu giá; thuê trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản và các khoản chi khác có liên quan đến việc cưỡng chế thi hành án được thực hiện căn cứ theo hợp đồng, thanh lý hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.
2. Chi xử lý tiêu huỷ tang vật, định giá tài sản tạm giữ thi hành án
+ Chi bồi dưỡng cho các thành viên tham gia tiêu huỷ tang vật, họp định giá tài sản (không bao gồm định giá tài sản cưỡng chế thi hành án dân sự): Mức chi tối đa 50.000 đồng/người/buổi.
+ Đối với các khoản chi khác: Thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, chi phí phòng chống cháy nổ, y tế; chi thuê địa điểm, phương tiện để định giá, bán tài sản, hàng hoá khác; chi thuê gửi, giữ, bảo quản vật chứng, tài sản thi hành án; thuê vận chuyển, tiền mua nguyên nhiên vật liệu và các chi phí thực tế hợp lý khác... căn cứ theo hợp đồng, hoá đơn, chứng từ chi tiêu thực tế, hợp pháp, hợp lệ theo quy định và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phê duyệt.
3. Chi bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp tham gia xét miễn, giảm án phí, tiền phạt
+ Chi bồi dưỡng cho các cán bộ thi hành án trực tiếp tham gia xét miễn, giảm án phí, tiền phạt. Mức chi tối đa: 30.000 đồng/buổi/người.
4. Chi mua sổ sách phục vụ chuyên môn và ấn chỉ
Hàng năm, trên cơ sở nhu cầu thực tế, cơ quan Hợp đồng in ấn các loại sổ sách phục vụ chuyên môn và mua các loại ấn chỉ. Thanh toán theo Hợp đồng và các hoá đơn hợp pháp.
Điều 9. Các khoản chi khác
1. Đối với các hợp đồng thuê khoán công việc hoặc hợp đồng lao động đối với các chức danh như bảo vệ, tạp vụ, vệ sinh (trừ các chức danh quy định tại Điều 3 Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về việc thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp), trong phạm vi nguồn kinh phí quản lý hành chính được giao, Thủ trưởng cơ quan ký hợp đồng lao động theo thoả thuận, đảm bảo chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Chi hỗ trợ cho hoạt động đoàn thể (Đảng, Công đoàn, Nữ công, Đoàn thanh niên Cộng sản HCM, Hội Cựu chiến binh, và các tổ chức xã hội khác) được thực hiện trên cơ sở dự toán cụ thể báo cáo Thủ trưởng xem xét, phê duyệt.
3. Chi tiếp khách đến làm việc tại cơ quan: Được thực hiện theo Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính Quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước.
- Chi nước uống: 20.000đ/người/01 ngày.
- Chi mời cơm: Trường hợp cần thiết thì tổ chức mời cơm nhưng mức chi không quá 150.000đ/suất.
MỤC 3. SỬ DỤNG KINH PHÍ TIẾT KIỆM ĐƯỢC

Khi kết thúc năm ngân sách, sau khi đã hoàn thành các nhiệm vụ công việc được giao, xác định được số kinh phí tiết kiệm sử dụng cho các nội dung sau:

Điều 10. Chi bổ sung thu nhập tăng thêm quỹ tiền lương cho cán bộ, công chức và người lao động

a. Bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức theo hệ số lương tăng thêm quỹ tiền lương tối đa không quá 1,0 (một) lần so với mức tiền lương cấp bậc, chức vụ do nhà nước quy định để trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Quỹ tiền lương trả thu nhập tăng thêm được xác định như sau:
QTL   =   Lmin  x  K1  x  (K2+K3)  x  L  x  12 tháng
Trong đó:
QTL:  Là Quỹ tiền lương, tiền công của cơ quan được phép trả tăng thêm tối đa trong năm;
Lmin: Là mức lương tối thiểu chung (đồng/tháng) hiện hành do Nhà nước quy định;
K1: Là hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu của cơ quan được xác định theo kết quả công việc (tối đa không quá 1,0 lần);
K2: Là hệ số lương cấp bậc chức vụ bình quân của cơ quan;
K3: Là hệ số phụ cấp lương bình quân của cơ quan;
Hệ số phụ cấp lương bình quân để xác định quỹ tiền lương, tiền công trả thu nhập tăng thêm tối đa nêu trên bao gồm các khoản phụ cấp tính theo lương tối thiểu và các khoản phụ cấp tính theo lương cấp bậc, chức vụ của các đối tượng được hưởng được trả hàng tháng cùng với tiền lương tháng theo quy định; không bao gồm các loại phụ cấp không được xác định trả cùng với trả tiền lương hàng tháng như: Phụ cấp ngành nghề, phụ cấp làm đêm, làm thêm giờ, phụ cấp trực.
L: Là số biên chế bao gồm cả số lao động hợp đồng trả lương theo thang bảng lương do Nhà nước quy định.
Quỹ tiền lương, tiền công năm của cơ quan để tính trả thu nhập tăng thêm nêu trên không bao gồm khoản tiền công trả theo hợp đồng vụ việc.
b. Trả thu nhập tiền lương tăng thêm:
Việc trả thu nhập tiền lương tăng thêm cho từng người lao động bảo đảm theo nguyên tắc gắn với chất lượng và hiệu quả công việc; người nào, bộ phận nào có thành tích đóng góp để tiết kiệm chi, có hiệu suất công tác cao thì được trả thu nhập tăng thêm cao hơn. Căn cứ vào kết quả công tác trong năm, kết quả bình xét xếp loại lao động, Thủ trưởng cơ quan quyết định hệ số điều chỉnh lương tăng thêm  sau khi thống nhất ý kiến với Công đoàn cơ quan.
Tiền lương tăng thêm cho từng cán bộ, công chức, viên chức được xác định:

Tiền lương tăng thêm
=
Mức lương tối thiểu chung
x
Hệ số lương và phụ cấp chức vụ (nếu có)
x

Hệ số điều chỉnh lương tăng thêm


c. Hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tổi thiểu chỉ áp dụng đối với cán bộ, công chức và lao động hợp đồng trong biên chế quỹ tiền lương.
Tiền lương tăng thêm cho cán bộ, công chức và lao động hợp đồng trong biên chế quỹ tiền lương công tác tại cơ quan Chi cục Thi hành án dân sự huyện thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này thì hệ số điều chỉnh lương tăng thêm tính theo số tháng thực tế có mặt làm việc tại cơ quan tương ứng với hệ số phân loại lao động trong năm.
Điều 11. Chi khen thưởng và phúc lợi
1. Chi khen thưởng
 - Được thực hiện căn cứ vào Nghị định số 121/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi đua, khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và Thông tư số 73/2006/TT-BTC ngày 15/08/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn trích lập, quản lý và sử dụng quỹ thi đua khen thưởng; Thông tư số 07/2006/TT-BTP ngày 27/11/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tư pháp.
- Chi khen thưởng theo phát động của cấp trên: Mức chi khen thưởng thực hiện theo quy định của cấp ra quyết định công nhận khen thưởng.
2. Chi phúc lợi
a. Mức chi hỗ trợ ngày Lễ, Tết  theo các mức sau:
- Tết Dương lịch, ngày giỗ tổ Hùng Vương, ngày 30/4, ngày Quốc tế Lao động, ngày thành lập ngành, ngày Quốc Khánh: 500.000đ/01 người
- Tết nguyên đán: Chi hỗ trợ cán bộ, công chức đang công tác: 1.000.000đ/01 người.
- Chi quà ngày Quốc tế phụ nữ và 20/10: 200.000đ/01 người.
- Chi quà ngày Quốc tế thiếu nhi và tết Trung thu: 100.000đ/01 cháu
Về thăm quan, nghỉ mát, điều dưỡng đối với cán bộ, công chức do Công đoàn cơ quan và Thủ trưởng cơ quan  xem xét thống nhất quyết định trên cơ sở cân đối nguồn kinh phí được giao tự chủ của cơ quan, căn cứ vào số tiết kiệm được của năm trước và khả năng tiết kiệm được của năm kế hoạch.
Điều 12. Trích lập Quỹ dự phòng ổn định thu nhập
Khi xét thấy khả năng kinh phí tiết kiệm hàng năm không ổn định, cơ quan thực hiện chế độ tự chủ có thể quyết định trích Quỹ dự phòng để ổn định thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.
CHƯƠNG III: TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Việc giải quyết thưởng, phạt trong việc thực hiện mức khoán của Quy chế
Hàng quý, năm, cơ quan trên cơ sở tổng kết số liệu và thông báo cho cá nhân, đơn vị về việc thực hiện các chỉ tiêu, định mức khoán của Quy chế này:
1. Trường hợp các cá nhân, bộ phận có kết quả tiết kiệm thấp hơn mức khoán, Ban chấp hành Công đoàn và Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định khen thưởng số tiết kiệm được bổ sung vào phần thu nhập tăng thêm cho cá nhân và các bộ phận nêu trên phù hợp với quy định của pháp luật.
2. Trường hợp cá nhân, bộ phận sử dụng vượt mức khoán, vi phạm các quy định của Quy chế này sẽ bị thu hồi nộp vào công quỹ. Kế toán, thủ quỹ chịu trách nhiệm tổ chức thu hồi trên cơ sở khấu trừ vào tiền lương của đơn vị.
3. Việc chấp hành thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí được cụ thể hoá trong Quy chế này là điều kiện để cơ quan đề nghị bình xét các danh hiệu thi đua hàng năm.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
Quy chế này có hiệu lực kể từ ký.
Khi có quy định mới của các văn bản quy phạm pháp luật hoặc do yêu cầu của thực tiễn công tác của cơ quan, Thủ trưởng cơ quan cùng với Công đoàn cơ quan xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan và quy định mới của các văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 15. Trách nhiệm thực hiện
1. Thủ trưởng cơ quan và BCH công đoàn cơ quan có trách nhiệm phổ biến Quy chế này đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức trong đơn vị để đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh và thống nhất.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cán bộ, công chức  phản ánh cho Thủ trưởng cơ quan để xem xét, kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN




Kha Hồng Quảng
                 CHI CỤC TRƯỞNG


   

                   Nguyễn Hồng Trung


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét