Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2012

Những điểm mới của Thông tư số 22/2011/TT-BTP của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự


Ngày 02 tháng 12 năm 2011 Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 22/2011/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự - sau đây xin gọi là Thông tư số 22/2011/TT-BTP (có hiệu lực từ ngày 20 tháng 01 năm 2012, thay thế Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05 tháng 07 năm 2007 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính trong hoạt động thi hành án dân sự- sau đây xin gọi là Thông tư số 06/2007/TT-BTP).

Về bố cục, Thông tư số 22/2011/TT-BTP cơ bản kế thừa Thông tư số 06/2007/TT-BTP (gồm 6 nội dung nay được quy định tại 6 chương). Tuy nhiên để phù hợp với Luật Thi hành án dân sự và các văn bản liên quan, phù hợp với thực tiễn công tác thi hành án dân sự, Thông tư số 22/2011/TT-BTP sửa đổi một số nội dung của Thông tư số 06/2007/TT-BTP và có nhiều quy định mới, cụ thể:
1. Về lập, sử dụng và bảo quản các loại sổ thi hành án    
Các loại Sổ thi hành án cơ bản giữ nguyên nội dung như Thông tư 06/2007/TT-BTP, bổ sung thêm 3 loại sổ mới: Sổ ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định thi hành án; Sổ theo dõi chuyển giao quyết định thi hành án cho trại giam, trại tạm giam; Sổ theo dõi, quản lý thi hành án hành chính; đồng thời bỏ hai loại sổ là "Sổ theo dõi ra quyết định thi hành án, quyết định tiếp tục thi hành án" (Vì nội dung theo dõi ra quyết định thi hành án đã được ghi nhận ở Sổ thụ lý thi hành án; nội dung theo dõi quyết định tiếp tục thi hành án được bổ sung vào Sổ ra quyết định hoãn, tạm đình chỉ thi hành án, tiếp tục thi hành án" ) và bỏ "Sổ theo dõi ra quyết định kết thúc thi hành án" (Luật Thi hành án dân sự không quy định việc ra quyết định kết thúc thi hành án).
Về việc sắp xếp tài liệu trong hồ sơ thi hành án: thực tế khi thực hiện theo Thông tư 06/2007/TT-BTP, nhiều cơ quan Thi hành án xếp tài liệu theo hướng từ dưới lên, để khắc phục hạn chế này Thông tư số 22/2011/TT-BTP  quy định: "Việc sắp xếp tài liệu phải thể hiện tại trang 03 của bìa hồ sơ thi hành án (Danh mục tài liệu), từ bút lục số 01 rồi đến các bút lục tiếp theo". 
Về thứ tự đánh dấu bút lục, theo Thông tư 06/2007/TT-BTP: "mỗi tờ tài liệu được đánh một số bút lục (riêng bản án, quyết định của Toà án chỉ đánh một bút lục)" nhưng lại quy định: "Bút lục 01 là quyết định thi hành án, bút lục 02 là bản án, quyết định...". Quy định trên sẽ dẫn đến bất cập là nếu quyết định thi hành án có nhiều tờ và mỗi tờ tài liệu được đánh một số bút lục thì bút lục 02 không thể là bản án, quyết định được. Khắc phục hạn chế này và để chặt chẽ trong quá trình lập, sử dụng hồ sơ, Thông tư số 22/2011/TT-BTP  quy định: "Mỗi tờ tài liệu được đánh một bút lục (riêng bản án, quyết định của Toà án chỉ đánh một số bút lục; trường hợp có nhiều bản án, quyết định thì mỗi bản án, quyết định đánh một bút lục). ”
Để việc lưu trữ sổ sách, hồ sơ thi hành án chặt chẽ hơn và để tăng cường trách nhiệm của Chấp hành viên, Thông tư số 22/2011/TT-BTP  quy định thêm việc Chấp hành viên phải lập bảng thống kê đầy đủ các tài liệu và số bút lục có trong hồ sơ, ký, ghi rõ họ tên trước khi chuyển cho Thẩm tra viên kiểm tra, ký xác nhận vào phía dưới góc phải của bảng thống kê để Thủ trưởng cơ quan thi hành án phê duyệt đưa vào lưu trữ; việc chuyển giao hồ sơ cho cán bộ lưu trữ phải được lập biên bản, ghi rõ số lượng hồ sơ đưa vào lưu trữ kèm theo danh mục hồ sơ được giao.
2. Về giao nhận, bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản bị kê biên, tạm giữ.
Nội dung này của Thông tư 06/2007/TT-BTP phần lớn đã được luật hoá trong Luật Thi hành án dân sự; vì vậy, đối với những nội dung đã luật hoá thì Thông tư mới không quy định mà chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung khác cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Về thời điểm giao nhận vật chứng tài sản, Thông tư số 22/2011/TT-BTP quy định phù hợp với Khoản 2 Điều 75 Bộ Luật tố tụng hình sự và quy định tại Thông tư 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005, cụ thể: Cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm tiếp nhận, bảo quản vật chứng, tài sản do cơ quan Công an hoặc cơ quan Điều tra chuyển giao kể từ khi Viện Kiểm sát có quyết định chuyển vật chứng từ kho của cơ quan Công an hoặc kho của cơ quan Điều tra trong quân đội sang kho vật chứng của cơ quan Thi hành án ".
Để tạo sự thống nhất và dễ dàng thực hiện cho cơ quan thi hành án dân sự trong việc nhập, xuất kho, Thông tư số 22/2011/TT-BTP bổ sung thêm Phụ lục IV quy định biểu mẫu của Lệnh nhập kho, Lệnh xuất kho.
Đối với việc tiêu huỷ vật chứng, tài sản, trước đây, TT 06/2007/TT-BTP quy định biên bản tiêu huỷ phải gửi cho Toà án, Viện kiểm sát, cơ quan tài chính cùng cấp và lưu hồ sơ thi hành án thì nay để giảm bớt thủ tục vì không cần thiết, Thông tư mới không quy định phải gửi cho Toà án vì thành phần Hội đồng tiêu huỷ không có đại diện của Toà án.
Từ thực tiễn thi hành án, Thông tư số 22/2011/TT-BTP bổ sung việc xử lý đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự được bản án, quyết định tuyên trả lại đương sự nhưng họ không đến nhận, Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó nhưng cơ quan ban hành giấy tờ đó lại ở nước ngoài. Cụ thể: Trường hợp cơ quan ban hành giấy tờ ở nước ngoài thì thực hiện tương trợ tư pháp. Văn bản yêu cầu tương trợ tư pháp và các tài liệu kèm theo được dịch ra ngôn ngữ theo quy định tại Điều 5 Luật Tương trợ tư pháp và gửi tới Vụ Pháp luật Quốc tế- Bộ Tư pháp đề nghị uỷ thác cho cơ quan có thẩm quyền; đồng thời bổ sung quy định về trường hợp cơ quan thi hành án nộp tiền thay đương sự và số tiền đó nằm trong cùng số tiền của nhiều đương sự khác thì phải có bảng kê ghi họ tên các đương sự kèm theo giấy nộp tiền.
3. Về hoạt động thu, chi tiền thi hành án.
Trước đây Thông tư 06/2007/TT-BTP hướng dẫn việc thu chi tiền thi hành án theo quy định tại Chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án ban hành kèm theo Quyết định số 572/2004/QĐ-BTP ngày 25/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Tuy nhiên hiện nay, Thông tư số 91/2010/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự thay thế Quyết định số 572/2004/QĐ-BTP. Đối với những nội dung đã được quy định tại Thông tư số 91/2010/TT-BTC, Thông tư số 22/2011/TT-BTP không nêu lại mà chỉ hướng dẫn những vấn đề mà Thông tư số 91/2010/TT-BTC không quy định; đồng thời, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn một số nội dung liên quan đến hoạt động thu chi tiền thi hành án như cách ghi biên lai, cách nộp và chi trả tiền thi hành án…
Đối với các khoản tiền tồn đọng, trước đây TT 06/2007/TT-BTP quy định cơ quan thi hành án làm thủ tục đứng tên gửi số tiền đó vào Ngân hàng theo loại tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, nay Thông tư số 22/2011/TT-BTP  quy định gửi theo kỳ hạn 1 tháng. Hết thời hạn 1 tháng nếu đương sự không đến nhận tiền thì Cơ quan Thi hành án không rút số tiền đó cho đến khi đương sự đến nhận tiền. Thông tư cũng quy định mới về việc cơ quan thi hành án phải mở tài khoản tại ngân hàng để gửi đối với  khoản tiền không đủ điều kiện để mở sổ tiết kiệm (ví dụ khoản tiền dưới 500.000đồng).
4. Về chế độ kiểm tra công tác thi hành án
Kế thừa những nội dung hợp lý của Thông tư 06/2007/TT-BTP, Thông tư số 22/2011/TT-BTP quy định chi tiết hơn và bổ sung một số nội dung như: căn cứ để xây dựng kế hoạch kiểm tra; nguyên tắc kiểm tra; phương thức kiểm tra; kết luận kiểm tra. 
5. Về chế độ thông tin, báo cáo về thi hành án
Nhiều nội dung của chương này đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác (ví dụ: báo cáo thống kê được thực hiện theo quy định của pháp luật về thống kê; báo cáo tài chính kế toán được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính kế toán); vì vậy, Thông tư số 22/2011/TT-BTP không nêu lại mà chỉ hướng dẫn những nội dung cần thiết của chế độ thông tin, báo cáo về thi hành án như nguyên tắc thông tin, báo cáo về thi hành án; các loại báo cáo trong thi hành án; nội dung, phạm vi, thời hạn, phương thức thực hiện các báo cáo; trách nhiệm trong việc thực hiện báo cáo, thẩm tra báo cáo...
Với việc ban hành Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02 tháng 12 năm 2011, tin tưởng rằng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn vướng mắc tồn tại khi thực hiện các thủ tục trong quản lý hành chính về thi hành án dân sự, đồng thời giúp các cơ quan thi hành án dân sự địa phương thực hiện thống nhất và dễ dàng hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét